Các biện pháp phòng bệnh đái tháo đường typ 2

Bệnh đái tháo đường typ 2 là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, đã có nhiều nghiên cứu phòng bệnh lớn trên thế giới được tiến hành. Các biện pháp can thiệp phòng bệnh chủ yếu là thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nghiên cứu phòng bệnh bằng thay đổi lối sống điển hình là nghiên cứu Da Qing. Nghiên cứu Da Qing (Trung Quốc) tiến hành trong 6 năm ở 577 người tuổi > 25 tuổi, rối loạn dung nạp glucose, chia thành 3 nhóm can thiệp: chế độ dinh dưỡng, tập luyện, dinh dưỡng và tập luyện; và nhóm chứng. Kết quả: giảm tỷ lệ ĐTĐ tương ứng các nhóm là 31%, 46% và 42% so với nhóm chứng.

Các nghiên cứu can thiệp bằng thay đổi lối sống và thuốc bao gồm: DPS (Finnish diabetes prevention study), STOP-NIDDM sử dụng acarbose, TRIPOD (Troglitazone in prevention of diabetes)…chứng minh có hiệu quả làm giảm hoặc chậm lại sự chuyển thành ĐTĐ typ 2 ở người rối loạn dung nạp glucose. Nghiên cứu STOP-NIDDM, công bố năm 2002, là nghiên cứu dự phòng ĐTĐ typ 2 ở đối tượng nguy cơ bị ĐTĐ bằng thuốc ức chế enzyme alpha-glucosidase (acarbose). Nghiên cứu bao gồm nhóm sử dụng acarbose (100mg x 3 iên/ngày) so với nhóm placebo. Kết quả sau 3,3 năm giảm tỷ lệ ĐTĐ 25% ở nhóm dùng thuốc so với nhóm chứng.

Nghiên cứu DPP ( Diabetes Prevention Programme- Hoa Kỳ), năm 2002, tiến hành can thiệp dự phòng 3.234 người tuổi > 25 tuổi, BMI trung bình 34 kg/m2, bị rối loạn đường huyết. Nghiên cứu được chia thành 3 nhóm: dùng placebo, metformin 850 mg x 2 viên/ngày và can thiệp thay đổi lối sống tích cực. Nhóm can thiệp dinh dưỡng và tập luyện được khuyến cáo giảm cung cấp năng lượng, lipid, tăng lượng chất xơ… cũng như tập luyện đều đặn hàng ngày với mục tiêu giảm 7% cân nặng và luyện tập (đi bộ) ít nhất 150 phút/tuần. Nhóm này thường xuyên được tư vấn và giám sát việc thay đổi lối sống trong quá trình nghiên cứu. Kết quả sau 2,8 năm so với nhóm placebo giảm tỷ lệ ĐTĐ 58% ở nhóm thay đổi lối sống và 31% ở nhóm dùng metformin.

Nghiên cứu DREAM ( Diabetes Reduction Assessment with Ramipiril and Rosiglitazone Medication) sử dụng rosiglitazone và ramipiril ở người có rối loạn đường huyết trong thời gian hơn 3 năm. Kết quả nhánh sử dụng rosiglitazone làm giảm 60% nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ (từ 25% nhóm dùng placebo tới 10,6% nhóm dùng rosiglitazone), 70% đối tượng đường máu trở về bình thường.

Ngoài ra còn có các nghiên cứu dùng thuốc phòng bệnh ĐTĐ typ 2 khác như: XENDOS (dùng orlistat), RAPSODI (rimonabant)… đều thu được những kết quả giảm nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ typ 2 so với nhóm chứng. ThS. Phan Hướng Dương – Tổng hợp các tài liệu trong và ngoài nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EMC Đã kết nối EMC