Các khuyến cáo về ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Các khuyến cáo về dinh dưỡng cho bệnh nhân bị ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Theo khuyến cáo dinh dưỡng năm 2004 của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, tỷ lệ protid nên ở mức 15-20%, lượng carbohydrat và lipid tùy theo mỗi cá nhân, nhưng lipid dưới 30%.

 Theo khuyến cáo của Hiệp hội châu Âu nghiên cứu về đái tháo đường, carbohydrat có thể ở mức 45-60%, lipid 25-35%. Tuy nhiên, tất cả các khuyến cáo đều nhấn mạnh mặc dù lipid có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp hấp thu các vitamin A, D, E, K… nhưng cũng phải sử dụng cân đối. Chỉ nên sử dụng chất béo bão hòa dưới 10% tổng lượng chất béo ăn vào.
Với carbohydrat, không phải loại nào cũng nên sử dụng. Ưu tiên chọn sử dụng các loại bột đường tiêu hóa chậm và các loại glucid có chỉ số tăng đường huyết thấp. Hạn chế tối đa việc sử dụng đường hấp thu nhanh. Nếu chỉ số tăng đường huyết của glucose là 100 thì của mạch nha lên tới 110 và của mật ong là 98. Vì vậy nhiều người bệnh đã sai lầm khi dùng mật ong, mạch nha để ăn vì cho rằng chúng không có nguồn gốc từ đường mía. Các loại thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết thấp là đậu trắng (28), đậu nành (22), cà rốt (16), lạc (14)… Tuy nhiên, việc ăn nhiều thức ăn từ đậu trắng, đậu lăng thường gây khó tiêu, đầy bụng. Đối với những người cần giảm calo ăn vào nhưng tránh được cảm giác đói, nên lựa chọn thức ăn có “chỉ số no” cao như bánh mì đen, cam và táo, gạo lức.
Chất xơ đã được chứng minh là làm giảm tình trạng tăng đường huyết, tăng lipid sau ăn, giúp tiêu hóa thuận lợi, chống táo bón và góp phần phòng ngừa ung thư đại tràng. Mỗi ngày chúng ta nên sử dụng 25-35 g chất xơ. Một bát súp-lơ xanh có thể cung cấp 25% chất xơ cần thiết cho một ngày, trong lúc nó chỉ mang lại có 45 calo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *